Một người hiến tạng có thể cứu sống được 8 đến 10 người khác. Cho, hiến tạng là sự chia sẻ cao quý, là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện. Cho đi là còn mãi!
Các bác sĩ cúi đầu mặc niệm người hiến tạng chết não, trước khi phẫu thuật nhận và ghép tạng, hồi tháng 9/2020. (Ảnh: Bệnh viện 108 cung cấp)
Những năm trước, quan niệm “cái chết toàn thây” hay ngay cả việc người dân chưa hiểu rõ thế nào là người “chết não”… đã thật sự là rào cản lớn trong việc triển khai vận động hiến mô, tạng. Thậm chí, có những người đã đồng ý hiến tạng song lại chịu áp lực, những rào cản từ chính gia đình, họ hàng, những người xung quanh.
Tuy nhiên, những năm gần đây, hành động đầy tính nhân văn ấy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Nhận thức của cộng đồng về vấn đề hiến mô, tạng đã có sự chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tích cực.
Tại TP Hồ Chí Minh, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ năm 2014 đến 2018, đơn vị đã tiếp nhận 7.800 đơn đăng ký hiến tạng. Hai năm gần đây, số người đăng ký hiến tạng tăng đột biến. Năm 2019 đã có hơn 13.000 người đăng ký, năm 2020 đạt kỷ lục với 18.500 người, bất chấp tình hình dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng.
Tính riêng trong năm 2020, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 14 mô, tạng từ bốn người bệnh chết não hoặc tim ngừng đập, ghép cho 14 người khác.
Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 2 trường hợp hiến tạng sau khi chết não tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ghép thành công 2 tim, 4 thận, 2 gan cho 8 người bệnh và hiện tại, sức khỏe của 8 bệnh nhân sau khi được ghép tạng đã ổn định.
Mẹ của một bệnh nhân chết não vừa hiến tạng ở Bà Rịa – Vũng Tàu xúc động chia sẻ: “Con tôi ngã xuống nhưng cho nhiều người đứng dậy. Tôi thật sự tự hào về con mình”.
Đúng vậy. Một đốm lửa nhỏ dù tắt đi vẫn có thể nhóm lên nhiều ngọn lửa khác. Đó là hành động cao quý, không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả. Như Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng xúc động chia sẻ: “Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện. Chết là trở về với cát bụi nhưng cho đi là còn mãi. Tôi tin rằng, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt, nhịp đập trái tim của người thân mình vẫn hiển hiện… Đó chính là hạnh phúc vô bờ của người ở lại”.
Hãy nhân lên và lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp để thấy được sự diệu kỳ của cuộc sống. |
Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Người khi còn sống có thể hiến 1 lá gan hoặc một phần của lá gan; 1 quả thận, da, xương. Một người chết hoặc chết não có thể hiến được 1 quả tim, 2 lá gan, 2 quả thận, 1 tụy, 2 lá phổi, 2 giác mạc, da, xương, gân, sụn…
Mặc dù, ngành ghép tạng của Việt Nam đi sau thế giới khoảng 40 năm nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng với các nước trên thế giới. Cả nước đã có hơn 20 trung tâm ghép tạng. Các bác sĩ ở Việt Nam đã thực hiện thành công và làm chủ được các kỹ thuật ghép thận, ghép gan, ghép phổi, ghép tim, ghép giác mạc… Thậm chí, rất nhiều nơi đã có thể ghép đa tạng, ghép đồng thời các mô tạng cho nhiều bệnh nhân…
Tuy nhiên, trên thực tế, so với các nước trên thế giới, số ca ghép tạng đã thực hiện ở Việt Nam vẫn còn rất ít. Từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay mới có khoảng 5.000 ca, trong đó chủ yếu là ghép thận. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân đang chờ nguồn để ghép mô, tạng hiện nay lại rất nhiều và ngày càng tăng lên nhanh chóng. Trung bình mỗi năm cả nước có trên 1.000 người cần ghép tạng, họ đang giành giật sự sống từng giây, từng phút, với mong mỏi được hồi sinh. Do đó, việc đăng ký hiến và hiến tặng mô, tạng hôm nay là hành động vô cùng ý nghĩa, chính là trao tặng cơ hội, mang lại sự sống diệu kỳ cho hàng ngàn người bệnh.
Để ngày càng có nhiều hơn những nguồn mô, tạng hiến tặng, thiết nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để mọi người, mọi gia đình thay đổi những định kiến, sẵn sàng tình nguyện trao tặng những phần cơ thể của mình nếu không may qua đời.
Hãy nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Hãy làm lan tỏa những hành động, nghĩa cử cao đẹp đầy tình người để có thêm nhiều đôi mắt sáng, để nhiều trái tim ấm áp vẫn tiếp tục được đập những nhịp yêu thương…, để sự sống được tái sinh từ cái chết! Cho đi là còn mãi!