Chương trình bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về hiến, ghép tạng dành cho Hội Chữ thập đỏ, đoàn thể tại tỉnh Lạng Sơn

Ngày 11/10, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp với Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tổ chức chương trình bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về hiến, ghép tạng dành cho Hội Chữ thập đỏ, đoàn thể tại tỉnh Lạng Sơn. Đây là dịp để đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên, hội viên Hội Chữ Thập đỏ, đoàn thể tỉnh Lạng Sơn được nâng cao nhận thức, hiểu biết về hoạt động hiến, ghép tạng, góp phần vào việc thúc đẩy hoạt động hiến ghép mô, tạng.

TS. Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn

Hiện nay, thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép gan; hàng nghìn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác. Nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Các ca ghép chính vẫn chủ yếu từ nguồn hiến sống (hơn 95% – ngược lại với Thế giới, thường hơn 80% từ người hiến tạng chết não) do đó dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người hiến sống nói riêng và tệ nạn mua bán nội tạng nói chung đang ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi cả về số lượng lẫn quy mô, ảnh hưởng đến hoạt động hiến tặng mô, tạng nhân đạo nói riêng và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nói chung.

Tham gia tập huấn, các đại biểu được nghe những chia sẻ từ TS Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cùng với các đại diện đến từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương, Học viện Quân Y, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác trình bày về Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người vè hiến, lấy xác; những vấn đề liên quan tới ghép Tim ở Việt Nam; Tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc; quản lý bệnh nhân chết não tiềm năng; công tác tuyên truyền, vận động và tiếp nhận xác hiến tại Học viện quân y; Mô, da đồng loại; Tổ chức Tiếp nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng; Chế độ tri ân người hiến và gia đình người hiến tạng tại Việt Nam …

Một số hình ảnh các báo cáo viên đến từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương, Học viện Quân Y, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác

Thay mặt Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, Đồng chí Đỗ Minh Định – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn chia sẻ quan điểm về vấn đề hiến mô tạng. Theo đó, việc hiến mô, tạng từ người chết não là việc làm nhân nghĩa, nhân đạo cần được đẩy mạnh hơn. Hiện hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng cần được ghép để cải thiện sức khỏe, kéo dài sự sống. Thông qua buổi tập huấn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn sẽ thay đổi nhận thức, cách thức triển khai. Hội sẽ phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn và đăng ký hiến tạng tại địa phương.

Đồng chí Đỗ Minh Định – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại buổi tập huấn

Cũng tại buổi tập huấn này, TS. Nguyễn Hoàng Phúc đã trao 20 tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng cho các cán bộ, tình nguyện viên, hội viên Hội Chữ Thập đỏ, đoàn thể tỉnh Lạng Sơn.

TS Nguyễn Hoàng Phúc trao thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô tạng cho các cán bộ, tình nguyện viên, hội viên Hội Chữ Thập đỏ, đoàn thể tỉnh Lạng Sơn.

Chương trình tập huấn đã giúp các cán bộ, tình nguyện viên, hội viên Hội Chữ Thập đỏ, đoàn thể tỉnh Lạng Sơn được trau dồi, nâng cao nhận thức trong việc vận động hiến tặng mô, tạng sau chết/chết não. Qua đó cùng chung tay góp phần tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người từ người cho chết não, kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.