Đó là thông tin được Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết tại Hội nghị diễn ra ngày 27/10 tuyên truyền phổ biến kiến thức về hiến, ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người của Việt Nam có hiệu lực từ 1/7/2007, nhưng phải đến năm 2014 mới có những người đầu tiên đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Nếu như năm 2014, cả nước chỉ có 265 người đăng ký thì đến nay đã có 78.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.
Bà Trần Thị Vân ,53 tuổi ở Vĩnh Phúc cho biết, bà có ý định đăng ký từ lâu nhưng hôm nay mới được ký đơn và được cấp thẻ ngay tại địa phương: “Với tôi đây là một việc làm cần thiết. Tôi mong muốn sau này mình mất đi thì mô tạng vẫn giúp được cho người khác kéo dài sự sống. Được các chuyên gia tuyên truyền, phân tích, tôi đã hiểu hơn về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến mô tạng và sẽ vận động gia đình và những người xung quanh cùng đăng ký”.
Hơn 30 năm qua kể từ ca ghép thận đầu tiên, ngành y tế nước ta đã thực hiện được gần 8.000 ca ghép tạng trong đó chủ yếu là ghép thận từ nguồn người cho sống. Trong khi tại các nước phát triển, tỷ lệ mô tạng từ người cho chết não chiếm tới 80% các ca ghép thì ở nước ta hiện nay, tỷ lệ này chỉ đạt gần 5%. Thiếu nguồn mô tạng là lý do cơ bản khiến tình trạng mua bán tạng vẫn xảy ra bất hợp pháp. Nhiều chuyên gia đang đề xuất sửa đổi Luật theo hướng chuyển từ chủ động đăng ký hiến mô tạng sang hướng suy đoán đồng ý, tức là nếu không có giấy tờ thể hiện không đồng ý thì đương nhiên là đồng ý hiến mô tạng.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, trong khi chờ sửa luật, Bộ Y tế đã có kế hoạch đơn giản hóa việc đăng ký hiến mô tạng: “Hiện nay người nào đó có nguyện vọng thì phải đăng ký và ký vào đơn tình nguyện đăng ký hiến tặng mô tạng. Những việc đó thực sự mất khá nhiều thời gian, không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, hoặc phải tới trung tâm hoặc là phải đăng ký rồi gửi đơn về trung tâm hoặc là có thể qua những sự kiện tổ chức của hệ thống chữ thập đỏ. Trong khi đó trên thế giới thì họ chỉ cần tích hợp vào bằng lái xe. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới sẽ làm việc với Bộ Công an để thống nhất được việc đăng ký hiến tặng mô tạng tích hợp vào căn cước công dân trên nền tảng VneID”.