VTV.vn – Dù có Luật Hiến tạng và đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên có trình độ, tay nghề nhưng số lượng người được ghép tạng rất hạn chế vì nguồn tạng khan hiếm.
Một trong những giải pháp để chống lại nạn buôn người, trong đó có buôn bán người để lấy nội tạng là phải đẩy mạnh hơn nữa việc hiến tạng tự nguyện, bởi tạng được hiến từ người cho chết não có thể cứu và đem lại cuộc sống mới cho rất nhiều người.
Dù Việt Nam đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, nhưng phải 15 năm sau, Luật Hiến tạng mới ra đời. Việc ra đời Luật Hiến tạng đã giúp cho lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam phát triển và cũng hạn chế được tình trạng buôn bán nội tạng. Tuy nhiên, dù có Luật và đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên có trình độ, tay nghề nhưng số lượng người được ghép cũng còn rất hạn chế chỉ bởi lý do nguồn tạng khan hiếm.
Năm 1992: Ca ghép thận đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện (BV) 103
Năm 2004: Ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại Học viện Quân Y
Năm 2005: Bệnh viện Nhi thực hiên ca ghép gan thứ hai cho một bệnh nhi 6 tuổi
Năm 2006: Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và lấy, hiến xác” (gọi tắt là Luật Hiến tạng) được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Việc ra đời luật Hiến tạng đã tạo khung pháp lý cho các ca ghép tạng và giúp ngành ghép tạng Việt Nam từng bước phát triển.
Trong năm 2007, bệnh viện Đức đã bắt đầu thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Năm 2010, ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện, đánh dấu một bước ngoặt trong việc có thêm nguồn tạng.
Việt Nam đã thực hiện được 1.116 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép thận – tụy và 1 ca ghép tim – phổi. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu về ghép tạng tại nước ta vẫn rất lớn trong khi đó nguồn tạng để ghép lại rất khan hiếm. Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền vận động người dân hiến tạng.
Hiện cả nước có hơn 16.000 người đang chờ ghép tạng, một nửa là suy thận mãn. Số liệu Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cung cấp cho thấy, chỉ có 30 người đồng ý hiến tạng khi sống và gần 4.400 người đăng ký hiến tạng khi chết. Trong khi đó, nguồn tạng từ người cho chết não hiến tặng trong những năm qua tại Việt Nam không quá 10 người. Đây cũng là lý do khiến xuất hiện tình trạng buôn bán nội tạng hoặc cò mồi bán tạng xuất hiện.
Việt Nam có 14 cơ sở y tế đủ kiện kiện thực hiện kỹ thuật ghép mô, tạng và trình độ ghép tạng của các bác sĩ tương đương, ngang bằng với thế giới nhưng vì nguồn tạng khan hiếm khiến các ca ghép tạng cũng rất ít.