Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng lần I – Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam

Sau khi tổ chức thành công Đại hội khóa II, nhiệm kỳ 2023-2028 tại Hà Nội vào ngày 28/6/2023, chỉ sau chưa đầy nửa tháng, 12/7/2023, Ban Thường vụ Hội đã tổ chức Hội nghị Thường vụ mở rộng dưới sự chủ trì của PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Trưởng Ban BVSKTW, Chủ tịch Hội nhằm kiện toàn về mặt tổ chức Hội và xác định phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2023- 2028 theo đúng Nghị quyết Đại hội đã thông qua.

PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Trưởng Ban BVSKTW, Chủ tịch Hội chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ mở rộng lần thứ I

Hội nghị kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Hội, Thường vụ Hội, các đồng chí trong Ban chấp hành là Lãnh đạo các Bệnh viện ghép mô, tạng trên toàn quốc, các tổ chức xã hội và đơn vị truyền thông từ các bệnh viện ghép tạng trên cả nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, PGS. Nguyễn Thị Kim Tiến lu00ôn nhấn mạnh rằng: ghép mô, tạng là thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân suy tạng. Hiện nay trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế, giúp cho nhiều bệnh nhân được nối dài sự sống. Tuy nhiên, để thực hiện ghép tạng, điều tiên quyết đó là phải có tạng hiến. Tại Việt Nam, số lượng tạng hiến từ người chết/chết não còn quá ít, trong khi số bệnh nhân chờ được ghép tạng lại ngày càng tăng. Chính vì vậy, mọi chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đều nhằm mục đích cuối cùng là tăng nguồn tạng hiến từ người chết/chết não để đem lại cơ hội sống những người có chỉ định ghép tạng.

TS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia báo cáo trước Ban Thường vụ về tình hình hiến, ghép tạng tại Việt Nam và những khó khăn, thách thức.

Kết luận tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Trước hết Hội cần kiện toàn tổ chức bộ máy, các đơn vị trực thuộc: Thành lập Văn phòng Hội, bộ phận truyền thông, đào tạo, … và đặc biệt là xây dựng mạng lưới chi Hội tại các tỉnh thành trên cả nước để tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, mọi tầng lớp xã hội.

(2) Xây dựng trang web hướng dẫn về đăng ký hiến mô, tạng, trong đó cụ thể các nội dung về cách thức đăng ký hiến tạng, điều kiện, nơi đăng ký (online hoặc trực tiếp) đảm bảo đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện.

(3) Huy động sự phối hợp của các ngành, các cấp: Bộ Quốc phòng/ Bộ Chính trị; Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Công an, Giáo hội phật giáo, Công giáo, một số trường đại học (Đại học y khoa, Bách khoa,…), Hội Chữ thập đỏ, Hội Thanh niên, Hội Thầy thuốc trẻ,… đây là những lực lực quan trọng và tiên phong trong việc truyền thông cộng đồng.

(4) Bên cạnh việc truyền thông, Hội sẽ tích cực tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng vận động, nhận thức và ý nghĩa của việc hiến tạng cứu người tại các địa phương.

PGS. Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định rằng, với truyền thống nhân văn, nhân nghĩa vốn có của người Việt Nam cùng với sự sự quyết tâm của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của người dân về nghĩa cử cao đẹp: Cho đi là còn mãi.