Sáng nay, 28/6, Đại hội Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 đã diễn ra tại Hà Nội. Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục được bầu là Chủ tịch Hội.
Ban Chấp hành Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhiệm kỳ II, do nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Chủ tịch |
Tại đại hội, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội vận động) – cho biết trong nhiệm kỳ đầu tiên, Hội đã tích cực phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, để tổ chức, phối hợp thực hiện và cử chuyên gia tham gia nhiều hoạt động quan trọng, như góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm chất lượng, đồng bộ và khả thi.
Đặc biệt là Hội đã tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện đánh giá 15 năm triển khai thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, đánh giá tác động chính sách, pháp luật đổi với những quy định mới đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật làm cơ sở trình Chính phủ, Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Hội cũng tham mưu, tư vấn và trình Bộ Y tế ban hành quy định các đơn vị y tế tuyến Trung ương và tuyến tỉnh phải thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não làm cơ sở cứu chữa người bệnh, đồng thời, thúc đẩy cơ hội tiếp nhận nguồn tạng hiến; tư vấn, góp ý cho các đơn vị liên quan về hoạt động điều phối cũng như thực hiện chế độ, chính sách của người hiến tạng.
Hội còn cử các chuyên gia đầu ngành phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về hiến, lấy, ghép tạng cho hơn 2.000 học viên là cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, hội viên Hội chữ thập đỏ, đoàn viên thanh niên, sinh viên các trường, chiến sĩ quân đội và công an tại 30 tỉnh, thành phố vv…
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết cho biết thêm: Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã có gần 70 nghìn người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não.
Tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, còn có 100 người đăng ký hiến tạng khi còn sống, gồm 52 nam, 48 nữ và 401 người đăng ký hiến xác.
Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh Hội hoạt động hoàn toàn không có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng như bất cứ nguồn tài trợ nào.
Trong nhiệm kỳ 2, Hội đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Y tế hỗ trợ một phần ngân sách cho hoạt động hàng năm, đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế có chức năng ghép tạng trong cả nước phối hợp với Hội để tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng tại cơ sở y tế như một nhiệm vụ thường xuyên.
Đánh giá cao nỗ lực của Hội nhiệm kỳ qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Từ năm 2014 mới có có 265 người đăng ký hiến tạng, đến nay đã có 73.213 người và 7.498 ca ghép tạng thành công. Số ca ghép tạng tại Việt Nam gia tăng đáng kể, từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022.
Tuy nhiên, số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90% vì vậy đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành y tế nói chung và Hội nói riêng trong việc thúc đẩy nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não. Đó là một sứ mệnh quan trọng của Hội.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Việc đồng hành của các chức sắc tôn giáo trong hoạt động Hội đã góp phần rất lớn vào thành công của Hội. Hành động đăng ký hiến tạng, tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền của các chức sắc tôn giáo là tấm gương và là người truyền động lực để người dân thay đổi nhận thức, góp phần nâng cao nhận thức chung về hiến tạng cứu người…
Tiếp đó, Đại hội đã thông qua Nghị quyết và bầu Ban chấp hành mới. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – nguyên Bộ trưởng Y tế và là nữ chính khách đầu tiên của Việt Nam đăng ký hiến tặng mô, tạng – tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2.
Phát biểu tại đại hội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết :Ghép mô, tạng là thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục.
Hiện nay trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế khiến cho nhiều bệnh nhân được nối dài sự sống. Nhưng đấy là về kỹ thuật, còn về số lượng còn rất hạn chế. Bởi số người hiến quá ít, số bệnh nhân chờ được ghép lại ngày càng cao. Thêm nữa, hiện số tạng hiến từ người cho chết não rất ít, phần lớn là từ người cho sống”. Hiện nhiều bệnh viện tuyến tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo.
Hội mong muốn Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người sớm được sửa đổi, để những rào cản trong hoạt động hiến tạng mô tạng sau khi chết/chết não được tháo gỡ, góp phần tái sinh nhiều cuộc đời.
Ngay sau đại hội, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức hội thảo quốc tế “Tư vấn vận động và điều phối tạng hiến từ người chết não, chết tim” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ghép tặng mô, tạng trong nước và thế giới.
Các Phó Chủ tịch gồm:
Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), đại biểu Quốc hội |khoá X.
Thượng Tọa Thích Nhật Từ – Ủy viên Hội đồng trị sự GHPGVN, Trụ trì chùa Giác ngộ.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản khám, chữa bệnh Bộ Y tế
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
PGS.TS. Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Ông Đỗ Tất Cường – Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec
Bà Lê Thị Giầu – Phó Trưởng Ban Kinh tế Giáo hội Phật giáo TP.HCM
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và Chánh văn phòng Hội.