Chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái” chính thức được phát động vào ngày 25/2/2024 tại Trường Đại học Phenikaa. Tại sự kiện, nhằm lan toả những nghĩa cử cao đẹp, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam phát động, kêu gọi mọi người tham gia đăng ký hiến tặng mô tạng, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi tiến tới nghĩa cử cao đẹp.
Lễ phát động Chương trình “Triệu bước chân nhân ái” do Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Tháng Nhân đạo năm 2024 – những dấu mốc lịch sử vô cùng trọng đại của dân tộc.
Chương trình hướng đến một hành trình của lòng nhân ái mà ở đó mỗi người đều có thể tham gia, đóng góp, gắn kết, cống hiến để sẻ chia, trao đi những tấm lòng, tình yêu thương thông qua một hành động hữu ích cho chính bản thân họ đó là tập thể dục, rèn luyện sức khỏe lành mạnh.
Phát biểu tại lễ phát động, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chia sẻ: Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm với các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, giác mạc, … và đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật, công nghệ sánh ngang với các nước trên thế giới. Tuy nhiên nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng, chủ yếu việc ghép tạng được thực hiện từ nguồn hiến sống.
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam
Chính vì vậy, ngày 5/2/2024, Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN và Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam đã được ký kết nhằm tăng cường vận động hiến mô, tạng từ người hiến tặng sau khi chết/chết não giai đoạn 2024-2027. Và hoạt động ngày hôm nay cũng nằm trong khuôn khổ chương trình phối hợp: lan toả những nghĩa cử cao đẹp, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi tiến tới đăng ký hiến máu nhân đạo, hiến tạng cứu người.
“Tôi tin tưởng rằng, cộng đồng, xã hội sẽ tích cực hướng ứng chiến dịch này, không chỉ đem lại lợi ích hữu hình là sữa chữa, xây dựng bếp ăn, lương thực, thực phẩm, khám chữa bệnh miễn phí, mà hơn hết, đó là nghĩa cử cao đẹp hiến máu nhân đạo, hiến tạng cứu người. Việc truyền thông mang tính chất quy mô, sâu rộng như này sẽ giúp người dân hiểu rằng “làm từ thiện cao nhất là hiến máu và hiến tạng”, bởi nếu người chết não không hiến tạng, các bộ phận cơ thể sẽ về với cát bụi, trong khi hiến sẽ cứu sống được nhiều người bệnh đang mòn mỏi chờ đợi được ghép tạng, giúp họ hòa nhập cuộc sống, cống hiến cho xã hội” – PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh các hoạt động, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã phối hợp với Ban tổ chức, phát động kêu gọi mọi người tham gia đăng ký hiến tặng mô tạng. Ghi nhận tại sự kiện, đã có hơn 20 người làm đơn đăng ký và được Ban Tổ chức trao nhận thẻ hiến tặng mô tạng trực tiếp. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam đến ngày 31/1/2024 chỉ chiếm 0.09% trên tổng số dân, một con số quá thấp so với các nước trên thế giới.
Các tình nguyện viên tham gia đăng ký hiến tặng mô tạng
Mỗi ngày ước tính có khoảng 20-30 người chết vì thiếu tạng ghép, trong khi đó hằng ngày theo ước tính có khoảng 40-50 chết vì tai nạn giao thông, bệnh tai biến… Trường hợp vận động gia đình thành công lấy tạng từ nguồn hiến này, việc cứu người và cải thiện cuộc sống cho những người bệnh bị suy mô, tạng đang chờ ghép chắc chắn được cải thiện hơn.
TS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tham gia hiến máu nhân đạo
Chương trình càng trở nên ý nghĩa hơn khi lãnh đạo và chuyên viên của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tích cực tham gia hiến máu nhân đạo và tham gia đi bộ, chạy bộ để tích cực gây quỹ cộng đồng “Triệu bước chân nhân ái”.