HÀ NỘI-Người đàn ông 43 tuổi bị xuất huyết não không thể cứu chữa, vợ nén nỗi đau hiến tạng chồng gồm trái tim, lá gan và hai thận, ghép cho 4 bệnh nhân.
Anh Bình là người khuyết tật, cùng chị Huyền xây dựng tổ ấm vào năm 2008, có hai con, một trai một gái. Hàng ngày, anh Bình lái xe ba bánh đi chở hàng còn vợ làm nông, thêm nhiều công việc như thu gom đồng nát, làm nghề giúp việc để trang trải cho gia đình.
“Bao năm qua, vợ chồng tôi chở che cho nhau trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 9 m vuông, nay vun vén và vay mượn thêm, chuyển sang được căn nhà rộng rãi hơn thì biến cố ập đến”, người vợ nói, mắt đỏ hoe.
Cách đây một năm, chị Huyền phát hiện mắc ung thư tuyến giáp, phải thường xuyên tới đến bệnh viện điều trị. Lần này, cuối tháng 8, khi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chị nhận tin chồng bị xuất huyết não, tim ngừng đập, cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp.
Cú sốc quá lớn. Chị vội vàng bắt xe về để nhìn chồng lần cuối. Anh đã chết não. Nhìn chồng nằm im lìm trong giường bệnh, chị nhớ tới câu chuyện năm 2009. Khi đó hai vợ chồng cùng nhau xem một phóng sự trên tivi về người mất hiến tạng, anh chia sẻ nếu sau này có mệnh hệ gì cũng muốn được hiến tạng cứu người.
Thực hiện tâm nguyện của chồng, chị mạnh mẽ vượt lên điều tiếng và sự can ngăn của họ hàng, quyết định chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức để xin được hiến tạng cho chồng. Chị cho biết khi đang điều trị bệnh ung thư, xem thông tin có người bệnh giai đoạn cuối chờ 3 năm không có tạng để ghép, nên chị càng vững tâm với quyết định của mình vì “cho đi để còn mãi”.
Ngày 13/9, ThS. Phạm Thị Đào, Trưởng Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức, cho biết từ nguồn tạng hiến gồm trái tim, lá gan và hai thận, các bác sĩ đã ghép và cứu sống 4 bệnh nhân. Hiện, cả 4 bệnh nhân đều ổn định, dần hồi phục sức khỏe.
30 năm qua, Việt Nam đã thực hiện hơn 6.500 ca ghép tạng thành công. Đến nay, nước ta có 16 cơ sở y tế ghép thận, 5 nơi ghép gan, 3 nơi ghép tim và đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật khó.
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của ngành ghép tạng không phải kỹ thuật khó, mà là sự khan hiếm nguồn mô tạng hiến. Hiện 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ 5% ca ghép từ người cho chết não. Điều này ngược với xu hướng chung của toàn thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não.
Những năm gần đây, nhiều câu chuyện về hiến mô tạng gây xúc động đã tạo nên hiệu ứng tích cực. Hiện, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhận khoảng 170.000 đơn đăng ký hiến tạng sau chết, chết não. Nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.
Lê Nga