Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi”

Sáng 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp tổ chức.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại buổi Lễ phát động.

Việt Nam triển khai ghép tạng muộn hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á 20 năm, nhưng trong hai năm (2022 và 2023), mỗi năm chúng ta ghép hơn 1000 ca bao gồm ghép thận, gan, tim, phổi… và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một điểm sáng của ngành y, là minh chứng cho trình độ và sự phát triển của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam.

Số lượng ca ghép tạng hơn 1000 trường hợp mỗi năm chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Trong số đó hơn 94% tạng ghép từ hiến sống. Chúng ta cần tăng nguồn hiến tạng sau chết/chết não, giống như các nước phát triển có từ 50 đến 90% nguồn hiến tạng từ người hiến sau chết/chết não tại các nước phát triển. Một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc tỷ lệ tạng hiến từ người sau chết/chết não rất cao, từ 40-80%. Đây là những nước có nền văn hoá, tín ngưỡng giống với Việt Nam.

Theo báo cáo của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia: hiện nay chỉ hơn 86 000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới (tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết lên tới 80-90% dân số). (Chỉ số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam là 0,15 so với Tây Ban Nga 49-nước có chỉ số chết não hiến mô tạng cao nhất thế giới – nghĩa là 49 người chết não hiến mô tạng/1 triệu dân/năm).

Trong những năm qua, chúng ta đã có những tiến bộ rất nhiều để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện. Tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam đã có hàng nghìn người được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp, đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, đất nước ta, kết tinh 4.000 năm văn hiến.

Theo Thủ tướng, đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, sẵn sang chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, nhân dân ta, được các thế hệ Việt Nam xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay – đó là những yếu tố làm nên vẻ đẹp của con người Việt Nam, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam…

Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các đơn vị phát động Lễ đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi.

Với mong muốn nhiều người đăng ký hiến mô tạng hơn, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, chính quyền các cấp, các bộ, ban, ngành và các tổ chức, đoàn thể cũng như những người có ảnh hưởng trong xã hội hãy ủng hộ và lan toả ý nghĩa cao đẹp của việc đăng ký hiến mô tạng sau khi chết; Các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, thành phố và các quận, huyện thị xã cần đưa ra những kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến mô tạng…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định Lễ phát động là sự kiện có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay Lễ phát động là sự kiện có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc nhằm tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp và thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng; thắp lên ngọn lửa nhân ái, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh; Trong những năm qua, chúng ta đã có những tiến bộ để tăng nguồn hiến mô, tạng từ người chết não. Tỉ lệ người chết não hiến mô, tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số người hiến mô, tạng tăng gấp đôi so với năm 2023…

Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 08 người, giúp cải thiện sức khỏe chữa khỏi bệnh cho vài chục người khác. Những tấm lòng nhân ái như thế đã góp phần mang lại niềm tin yêu trong cuộc sống, lan tỏa giá trị nhân văn tốt đẹp, với phẩm chất con người Việt Nam giàu lòng yêu thương nhân ái; xã hội trân trọng, biết ơn những việc làm bình dị mà cao cả. Xã hội rất cần những tấm lòng “tương thân, tương ái” biết yêu thương, giúp đỡ người khác trong phạm vi có thể để cứu giúp những mảnh đời bất hạnh đang mòn mỏi chờ đợi được cứu sống, được hồi sinh vì thiếu tạng để ghép.

Sự kiện do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp tổ chức có đại diện, đại biểu Quốc hội, nhiều bộ, ban, ngành và tổ chức tôn giáo; đại diện các tổ chức quốc tế và 59 bệnh viện ghép mô tạng trong cả nước, tham dự.

Theo link đăng ký online của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia triển khai từ ngày 16/5 đến thời điểm 19/5 có 3.821 người đăng ký hiến mô, tạng sau chết/chết não.