SKĐS – Nhằm mục đích cứu người, chữa bệnh và phục vụ y học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp phối hợp với Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô tạng
Sáng nay (11/8), Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp phối hợp với Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam tổ chức Ngày hội chung tay vì sự sống; Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô tạng tại TP. Hải Phòng và tri ân người hiến tặng mô tạng vì mục đích cứu chữa người người bệnh và phục vụ y học.
Tham dự Lễ phát động có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến-Chủ tịch Hội vận động hiến mô, tạng Việt Nam (Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế); đại diện Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng, Sở Y tế TP. Hải Phòng, đại diện lãnh đạo, tổ chức xã hội và sinh viên các trường đại học và các cơ sở y tế trên địa bàn.
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng của y học thế giới; cùng với đó lượng bệnh nhân chỉ định ghép mô, tạng ngày càng gia tăng qua các năm.
Ở Việt Nam, nhu cầu ghép mô, tạng rất lớn; đến nay trên cả nước đã tiếp nhận được hơn 76.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau chết, chết não và có khoảng hơn 7.000 người được sống cuộc đời thứ 2 sau khi được ghép thành công. Do đó, việc vận động mọi người dân, xã hội tự nguyện đăng ký hiến và hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau chết não là việc làm nhân đạo cứu chữa người bệnh.
Tại Hải Phòng, vào ngày 6/6/2023, sau hơn 2 năm nỗ lực chuẩn bị, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã chính thức thực hiện thành công ca phép thận cùng huyết thống đầu tiên cho người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Tiếp đến vào đầu tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Mắt Hải Phòng thực hiện thành công kỹ thuật ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân bị mất thị lực do bệnh lý giác mạc. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật ghép giác mạc được thực hiện thành công tại đơn vị này.
Phát biểu tại lễ phát động, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến-Chủ tịch Hội vận động hiến mô, tạng Việt Nam nhấn mạnh: Ở nước ta hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim… Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.
Với phương châm “Truyền thông phải đi trước mở đường cho công tác vận động hiến tặng mô, tạng”; Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô tạng sau chết/chết não và tri ân người hiến mô, tạng” là dịp chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái vì con người.
PGT.TS Nguyễn Thị Kim Tiến mong rằng, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ được tiếp nhận nhiều hơn những tấm lòng nhân ái, nhân văn cao cả của những gia đình có người thân chết não, sẵng sàng hiến mô, tạng để người bệnh có hy vọng kéo dài sự sống.
Theo đại diện Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, tính từ thời điểm phát động đến kết thúc buổi lễ, có khoảng 1.200 người trực tiếp cùng đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não với sự chứng kiến, giám sát và xác nhận của các vị đại biểu cũng như đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
Việc đăng ký này chính là nghĩa cử cao đẹp góp phần thắp lên niềm hy vọng cho những người không may mắn bị suy mô, tạng đang mong mỏi được kéo dài sự sống; qua đó bồi đắp thêm tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.
Cũng trong chương trình, BTC đã tri ân những người hiến mô, tạng trong thời gian qua và công bố thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại TP. Hải Phòng. Đây là Chi hội đầu tiên được Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thành lập; gồm 16 hội viên từ các đơn vị y tế như Báo Sức khỏe và Đời sống, Hội chữ thập đỏ, Báo An ninh, Báo Hải Phòng, Đài phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.