Bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về hiến, lấy ghép mô, tạng cho cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang

Với mục đích tuyên truyền nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, nhân ái về việc hiến ghép mô tạng, ngày 06/11, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp với Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chương trình Bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về hiến, lấy ghép mô, tạng cho khoảng 100 cán bộ đang làm công tác Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang.

TS.Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cung cấp kiến thức cho các học viên

Trên thực tế, nhu cầu người bệnh cần ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn, lên đến hàng chục nghìn ca mỗi năm. Trong khi đó, trên thế giới tỷ lệ người bệnh được ghép từ nguồn cho chết não rất lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ đó lại ngược lại, người bệnh được ghép từ nguồn tạng hiến từ người chết não lại ít hơn từ nguồn hiến sống bởi từ nhiều lý do. Trong khi đó, xu hướng phát triển của thế giới là lấy nguồn mô tạng từ người hiến chết não, hạn chế từ người sống bởi khi lấy tạng của người hiến sống sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm giảm khả năng lao động cũng như chất lượng cuộc sống.

Chương trình đã được nghe những chia sẻ của TS. Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Thạc sỹ Nguyễn Văn Điều đến từ Học viện Quân Y, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Hoàng, đến từ Ngân hàng mắt Trung ương – Bệnh viện mắt Trung ương và đại diện  các phòng của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ về tình hình ghép tạng tại Việt Nam và trên thế giới; hoạt động phối hợp tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam; vai trò của Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức xã hội; tuyên truyền vận động hiến tặng giác mạc; tổng kết công tác tuyên truyền, vận động tiếp nhận xác hiến tại Học viện Quân y trong 15 năm…

Thay mặt Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Đồng chí Nguyễn Thị Thỏa – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Bắc Giang chia sẻ quan điểm về vấn đề hiến mô tạng. Theo đó, việc hiến mô, tạng từ người chết não là việc làm nhân nghĩa, nhân đạo cần được đẩy mạnh hơn. Hiện hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng cần được ghép để cải thiện sức khỏe, kéo dài sự sống. Thông qua buổi tập huấn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Bắc Giang sẽ thay đổi nhận thức, cách thức triển khai. Và Đồng chí Nguyễn Thị Thỏa cũng mong muốn Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người sẽ  tổ chức thêm nhiều chương trình tương tự để có thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn và đăng ký hiến tạng tại địa phương.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang – Nguyễn Thị Thỏa phát biểu tại Hội nghị

Kết thúc buổi tập huấn, TS. Nguyễn Hoàng Phúc đã trao giấy chứng nhận tham dự cho các cán bộ, tình nguyện viên, hội viên Hội Chữ Thập đỏ, đoàn thể tỉnh Bắc Giang.

TS. Nguyễn Hoàng Phúc trao giấy chứng nhận tham dự cho các cán bộ, tình nguyện viên, hội viên Hội Chữ Thập đỏ, đoàn thể tỉnh Bắc Giang

Hiến mô, tạng là hành động cao đẹp, nhân văn, đầy ý nghĩa trong xã hội đem lại sự sống cho nhiều người bệnh có nhu cầu ghép tạng. Phong trào đăng ký hiến mô, tạng đã được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Bắc Giang đã được triển khai trong nhiều năm qua. Cùng với kết quả đạt được trong công tác vận động, tuyên truyền, trong thời gian tới, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tiếp tục phối hợp với các Hội Chữ thập đỏ trên cả nước để phối hợp, tuyên truyền đến công tác vận động hiến mô, tạng bộ phận cơ thể người. Qua chương trình tập huấn đã giúp cán bộ Hội Chữ thập đỏ được trau dồi kiến thức chuyên môn trong công tác vận động hiến tặng mô, tạng. Qua đó, nâng cao kiến thức đầy đù, ý nghĩa về nghĩa cử nhân văn, nhân đạo để tuyên truyền cho mọi người trong xã hội, chung tay góp phần làm tăng nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người mở ra cơ hội kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị mắc các bệnh về suy mô, tạng.

Học viên chụp hình lưu niệm với lãnh đạo các đơn vị